Con người đang dành quá nhiều thời gian vào Facebook và mạng xã hội
Facebook hẳn là một cái tên đã quá quen thuộc với người dùng mạng xã hội trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Liệu bạn có biết thành tích đáng nể trong năm 2020 Facebook đạt được doanh thu 28.07 tỷ Đô la không? Chắc hẳn, sự hiện diện của chúng ta là một nhân tố để Facebook đạt được con số khổng lổ như thế. Qua công cụ đo lường các chỉ số Mạng Xã hội – NapileonCat, tính đến tháng 6/2020 tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc.
Đặc biệt hơn, Việt Nam được đứng vào hàng danh dự Top 7 người dùng nhiều nhất trên TG sau các nước: Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Mexico và Philippines.
Ngoài Facebook, một số mạng xã hội khác cũng được người dùng săn đón trong năm 2021 như Facebook Messenger, Instagram, Linkedin và xuất hiện các MXH mới bùng nổ như Zalo, Tik Tok, Lotus.
Với số lượng đông đảo người Việt dùng mạng xã hội thì thời gian mà họ dành cho Facebook là không hề nhỏ, cứ 10 người thì 8 người (86%) sử dụng ứng dụng này ít nhất một lần mỗi tuần. Trung bình, người Việt Nam dành 4 giờ 30 phút cho các nền tảng mạng xã hội.
Hơn cả một trang mạng xã hội, Facebook có thể làm nhiều thứ
Chúng ta thường hay đùa vui rằng Mạng xã hội là nơi “sống ảo” và thể hiện bản thân. Với một phương tiện lý tưởng như Facebook, người dùng có thể trở nên đa dạng màu sắc trong cách truyền tải thông tin. Từ đăng tải những dòng trạng thái thể hiện quan điểm cá nhân đến khoe những bức ảnh mang đậm cá tính của mình. Chúng ta có xu hướng táo bạo và dạn dĩ hơn trên mạng so với đối mặt trực tiếp. Vì vậy, Facebook trở thành “gương mặt đại diện” của mọi người trên mạng xã hội khi giao tiếp với thế giới.
Trong năm 2021, những biến động khôn lường của đại dịch Covid – 19 tạo điều kiện cho chúng ta ở nhà nhiều hơn. Đây cũng chính là thời điểm sáng giá cho các nghệ sĩ, đầu bếp tài năng trổ tài “khoe khéo” với cộng đồng mạng thành phẩm của mình. Trước đó, họ chưa khám phá ra được khả năng tiềm ẩn của mình, nay “thời tới cản không nổi” nhờ những challenges, content sáng tạo trên Facebook. Vậy nên đừng ngại ngần “hô biến” bản thân trở nên thú vị hơn với những điều mới mẻ nhé! Biết đâu, tổ “idol” gọi tên chúng ta đấy.
Facebook vận hành một cách “đa di năng” khi cho phép người dùng giao tiếp và giữ liên lạc với gia đình, bạn bè trên khắp thế giới. Thừa nhận rằng, có những lúc chúng ta không thể ở cạnh người thân yêu của mình để chia sẻ những niềm vui hay nỗi buồn trong cuộc sống. Điển hình như các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, xa gia đình hàng tháng liền hay những người đang chống chọi với Covid – 19 đều mang cảm giác cô đơn, tủi thân. Nhưng thật may mắn khi chúng ta cũng có thể kết nối và thu hẹp khoảng cách địa lý thông qua tính năng nhắn tin nhanh, trò chuyện video. Facebook thực sự là một môi trường hoàn hảo để duy trì các mối quan hệ ở xa.
Facebook còn là nơi chứa đựng những nguồn tài nguyên thú vị về kiến thức, cuộc sống, thế giới xung quanh mà chúng ta cần học hỏi. Với một lượng người dùng khổng lồ lên đến 10 con số 0 trên toàn thế giới, thông tin trên Facebook rất đa dạng đủ mọi lĩnh vực. Nhưng tùy thuộc vào cách sàng lọc nội dung của mỗi người để thu về cho mình những nội dung có giá trị.
Những mối nguy rình rập
Mùa dịch chúng ta có xu hướng ở nhà nhiều hơn, thời gian rảnh rỗi để lướt Facebook cũng vì thế mà tăng vọt. Thậm chí, có người còn dành thời gian sử dụng Facebook để “hóng hớt” mọi thứ trên đời. Hãy nên cân nhắc thời gian sử dụng mạng xã hội vì có thể bạn sẽ không lường trước được những mối nguy hại nào đang rình rập mình đâu!
Hình thành thói quen xấu
“Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính”. Facebook như một chất cocain gây nghiện. Bạn có thể lướt News Feed chỉ để xem tin tức hay giải trí nhưng bằng một ma lực nào đó khiến bạn không tài nào bỏ điện thoại xuống. Việc cầm điện thoại lên và check mạng xã hội không còn là điều đắn đo suy nghĩ bởi nó đã in sâu trong tiềm thức chúng ta. Lâu dần viễn cảnh mình “nghiện” đến mức nhấc điện thoại vài phút một lần để kiểm tra các thông tin mới cập nhật bất kể khi đang lái xe, bỏ lỡ giấc ngủ vào ban đêm là điều không xa! Thậm chí còn ưu tiên tương tác trên mạng xã hội hơn các mối quan hệ trong thế giới thực, bạn chú trọng vào các reaction sau mỗi bài đăng và trăn trở không thôi về nó.
Thật khó khăn khi bản thân đã quen lướt Facebook, Tik Tok nay chuyển sang đọc 5 trang sách. Và đúng như vậy, sự cám dỗ của mạng xã hội đã thế chân cho cách truyền đạt thông tin truyền thống là sách báo. Người trẻ không còn mặn nồng với thói quen đọc sách hay trau dồi kỹ năng cần thiết. Thay vào đó họ đắm chìm trong các drama, nhân danh công lý khẩu nghiệp với mọi bất bình trên mạng xã hội. Điều này thật sự không cần thiết vì chỉ khiến chúng ta trở nên sân si, đố kỵ và tự ti hơn thôi.
Ảnh hưởng sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần cũng là điều đáng quan ngại khi chúng ta dành nhiều thời gian sử dụng Facebook, mạng xã hội quá lâu. Điển hình như những cảm giác tự ti, thậm chí có thể đối mặt với vấn nạn bắt nạt trực tuyến. Tệ hơn, cảm giác đó sẽ khiến chúng ta trở nên lo lắng, trầm cảm. Biết rằng, con người luôn có xu hướng chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống cá nhân lên mạng xã hội. Nhưng suy nghĩ đó thực sự không làm giảm bớt cảm giác ghen tị và đố kỵ khi xem những bức ảnh chụp thú vui xa xỉ của một người bạn về kỳ nghỉ hoặc bất kỳ sự thăng tiến mới của ai đó trong công việc.
Một nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania phát hiện ra rằng việc sử dụng Facebook, Snapchat và Instagram càng làm tăng cảm giác cô đơn. Con người cần tiếp xúc trực tiếp để khỏe mạnh về mặt tinh thần thay vì ngồi hàng giờ liền trực tuyến “tán gẫu” cùng bạn bè. Không có gì làm giảm căng thẳng và thúc đẩy tâm trạng của bạn hiệu quả hơn việc trò chuyện trực tiếp cùng người thân, bạn bè. Một cái ôm an ủi hay một cái nắm tay động viên là ngôn ngữ tình cảm đặc biệt mà thông qua mạng xã hội không thể truyền tải hết được. Nếu bạn càng ưu tiên tương tác trên mạng xã hội hơn các mối quan hệ bên ngoài, thì càng có nhiều nguy cơ làm trầm trọng các rối loạn tâm lý như lo lắng và trầm cảm.
Cảnh báo rủi ro an toàn thông tin cá nhân
đầu tháng 4/2021, trang Business Insider đã đưa tin về việc Facebook bị tin tặc đánh cắp số điện thoại cùng các dữ liệu cá nhân của hơn 553 triệu người dùng trên 106 quốc gia.
Đối với người dùng Facebook tại Việt Nam, vào tối 17/8 vừa qua, rất nhiều tài khoản của người dùng đã bị khóa với lý do “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”. Sau đó, các tài khoản này được thông báo sẽ có 30 ngày để phản đối quyết định và nếu trong trường hợp không được chấp thuận thì sẽ bị khóa vĩnh viễn. Lý giải nguyên nhân này bởi có sự lan truyền thông tin xấu liên quan đến một đoạn video nhạy cảm của trẻ em.
Thật khó khăn để bảo mật toàn vẹn thông tin của mình trên mạng xã hội một cách triệt để. Những nền tảng như Facebook thường liên kết với bên thứ ba và cho phép họ được truy cập danh bạ, ảnh, thông tin cá nhân của khách hàng. Nếu bạn cho rằng khi đăng tải một thông tin dưới dạng chế độ riêng tư “chỉ mình tôi” thì đừng tưởng rằng một mình bạn có thể xem được nội dung đó. Hàng trăm nhân viên Facebook đang quan sát và giám sát mọi hành vi của bạn đấy. Hơn nữa, với sự biến hóa tinh tường của các “Hacker” đang chực chờ để đánh cắp thông tin bất cứ lúc nào thì bạn sẽ không lường trước được thông tin của mình bay xa đến thế nào đâu.
Tạm kết
Với sự vận hành phát triển của công nghệ hiện đại, con người từng bước chuyển mình theo kịp thời đại là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng chúng ta cần cân nhắc thời gian và hiệu quả sử dụng các thiết bị thông minh để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đặc biệt là thời gian sử dụng Facebook và mạng xã hội khác, hãy kiểm soát chúng một cách hợp lý để cuộc sống trở nên thật sự ý nghĩa!