Sau tất cả, thương vụ Nvidia mua lại ARM đã chính thức đổ bể sau hơn một năm công bố. Nếu thành công, Nvidia có cơ hội lớn vươn ra khỏi ngành chip cho đồ họa và AI nhưng theo phân tích của tờ Wired mà mình sẽ lược dịch dưới đây, Arm mới là bên chịu thiệt thòi nhiều hơn.
Đây là sự kiện gây nhiều chú ý bởi cả hai đều rất tên tuổi trong ngành công nghiệp chip. Nvidia nếu tính theo giá trị vốn hóa thị trường, thì là công ty chip lớn nhất thế giới. Trong khi với Arm, công ty của Anh vốn thuộc sở hữu của SoftBank này chuyên đi cấp phép thiết kế chip cho các hãng công nghệ lớn trên toàn cầu.
Việc không thể về tay Nvidia sẽ khiến tương lai của Arm bấp bênh hơn. Theo Dan Hutcheson, phó chủ tịch của Tech Insights, công ty phân tích chip bán dẫn thì nhiều người tin rằng kể từ khi về SoftBank, Arm đã yếu đi. Chưa kể là tác động từ thông tin Nvidia mua Arm trong hơn một năm quá cũng thúc đẩy việc đầu tư vào các kiến trúc chip khác.
Dù cấp phép thiết kế chip nhưng các công ty khi mua lại của Arm đều phải tùy biến thêm để tăng hiệu năng và hiệu quả sử dụng điện. Điều này đồng nghĩa Arm vẫn có thể phát triển thêm để tăng sức mạnh cho kiến trúc của mình.
Arm đang ngự trị nhưng không phải họ không có những đối thủ. Hutcheson nói rằng thương vụ (Nvidia mua Arm) khiến người ta quan tâm nhiều hơn tới một kiến trúc chip mở có tên RISC-V và gây áp lực phải đầu tư, cải tiến thêm cho Arm. Một kiến trúc chip là cách thiết kế các thành phần silicon để xử lý các tác vụ logic và data trên con chip đó, cùng với phần mềm để điều khiển phần cứng. Arm có một kiến trúc bản quyền mà họ đã phát triển từ nhiều thập kỷ trước.
Nói về RISC-V, đây là kiến trúc mở được tạo ra từ năm 2010 và nhận được nhiều tài trợ từ các công ty lớn như Google hay Intel. Kiến trúc của Arm nhận nhiều lời khen về tính hiệu quả thì RISC-V cũng có những yếu tố tương tự. Việc nó là kiến trúc mở cho phép các công ty đối tác tham gia cùng phát triển và giải quyết các vấn đề cho kiến trúc đó. Với Arm, việc Nvidia không thể mua khiến Arm phải tự tìm các nguồn lực để rót tiền đầu tư phát triển kiến trúc. Intel trong tuần này vừa công bố quỹ trị giá 1 tỉ đô, trong đó họ cùng các đối tác làm việc với kiến trúc RISC-V. Apple cũng đang tìm hiểu về kiến trúc mới này.
Arm thì tự tin và nói là vẫn sống tốt nếu một mình. SoftBank cũng đang muốn IPO cho công ty này, đó có thể là đợt IPO lớn nhất lịch sử ngành chip bán dẫn.
Nguồn: Wired