Cuối năm 2008, trong bối cảnh Google đang phải đối mặt với các cuộc điều tra về chống độc quyền liên quan đến thỏa thuận quảng cáo với Yahoo và tranh chấp về sở hữu trí tuệ, ban lãnh đạo đã phát đi một bản ghi nhớ mật tới toàn bộ nhân viên.

Để ngăn chặn những phát ngôn không mong muốn

Trong bản ghi nhớ này, Google nhấn mạnh triết lý quen thuộc rằng “thông tin là tích cực”. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng những phát biểu vô tình từ phía nhân viên có thể bị các cơ quan quản lý hoặc đối thủ khai thác để gây bất lợi cho công ty, theo tiết lộ của New York Times.

Để giảm thiểu nguy cơ từ những thông tin có thể trở thành bằng chứng trong các vụ kiện, Google khuyến khích nhân viên hạn chế việc sử dụng những cụm từ mang tính suy đoán và mỉa mai, đồng thời cần “suy nghĩ kỹ” trước khi bàn luận về các vấn đề nhạy cảm. Bản ghi nhớ khuyến cáo: “Đừng phát biểu khi chưa nắm đủ thông tin”.

Ngoài ra, Google còn thực hiện điều chỉnh công nghệ. Cài đặt mặc định của công cụ nhắn tin nội bộ đã được chuyển sang chế độ “off the record” (không ghi lại). Những tin nhắn không cố ý hoặc nhạy cảm sẽ tự động bị xóa sau 24 giờ.

15 Năm Google Xây Dựng Văn Hóa ‘Che Giấu’
Google đã yêu cầu nhân viên tránh sử dụng những cụm từ suy đoán, mỉa mai và chỉ nên phát ngôn sau khi có đầy đủ thông tin. Ảnh: Bloomberg

Đây là khởi đầu cho một chiến dịch kéo dài 15 năm của Google, với mục tiêu biến việc xóa bỏ thông tin thành một phần văn hóa mặc định trong giao tiếp nội bộ. Mặc dù là một tập đoàn lớn lưu trữ thông tin toàn cầu, Google lại xây dựng nền văn hóa hạn chế việc lưu trữ thông tin nội bộ của chính mình.

Công ty thường xuyên nhắc nhở nhân viên rằng “những phát ngôn không suy nghĩ” có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến cả một tập đoàn, bất kể quy mô của nó.

Văn hóa sự dè chừng của Google

Theo báo New York Times, những hoạt động bên trong Google đã được tiết lộ qua hàng trăm tài liệu và lời khai của nhân chứng tại ba phiên tòa chống độc quyền gần đây nhằm vào công ty này.

Các tài liệu chỉ ra rằng Google khuyến khích nhân viên thêm cụm từ “đặc quyền giữa luật sư-khách hàng” vào các tài liệu và luôn đưa luật sư của công ty vào danh sách người nhận, ngay cả khi không có vấn đề pháp lý nào liên quan.

Công ty cho phép nhân viên quyết định xem có muốn lưu giữ tin nhắn trên các ứng dụng nhắn tin nội bộ hay không. Nếu nhân viên không kích hoạt chế độ lưu trữ, các tin nhắn sẽ tự động bị xóa. Theo các chứng cứ tại tòa, rất ít người sử dụng chức năng này. Theo New York Times, Google không phải là công ty duy nhất đang nỗ lực giữ các tin nhắn văn bản và tin nhắn tức thời tránh xa sự giám sát của hệ thống pháp luật. Những tập đoàn lớn như Amazon và chuỗi siêu thị Albertsons-Kroger thường xuyên có mâu thuẫn với cơ quan quản lý về cách thức xử lý loại thông tin này trong khuôn khổ pháp lý.

Trước đây, những cuộc trò chuyện diễn ra ngẫu nhiên trong giờ làm việc hoặc qua điện thoại có thể bị xem là bằng chứng bất lợi, nhưng dễ dàng bị quên lãng. Ngày nay, mọi tin nhắn văn bản và tin nhắn tức thời đều có thể được ghi lại một cách chính xác. Google cùng nhiều tập đoàn khác hy vọng rằng các tin nhắn này có thể “biến mất” giống như những cuộc hội thoại thoáng qua.

Tuy nhiên, Google lại là cái tên bị chỉ trích mạnh mẽ nhất do hành động của mình. Các thẩm phán trong ba vụ kiện chống độc quyền đã lên án công ty vì những hành vi này.

Thẩm phán James Donato tại Toà án Quận phía Bắc California đã mô tả tình trạng này là “một văn hóa hệ thống cố hữu nhằm đàn áp bằng chứng tại Google”. Ông cho rằng văn hóa này “gây ảnh hưởng tiêu cực đến công lý” và tuyên bố sẽ tiến hành điều tra trách nhiệm của Google sau khi phiên tòa kết thúc.

Tại bang Virginia, Thẩm phán Leonie Brinkema cũng chỉ trích chính sách lưu trữ tài liệu của Google, đánh giá chúng “không tương thích với một tổ chức doanh nghiệp có trách nhiệm”. Bộ Tư pháp đã yêu cầu tòa án áp dụng hình phạt nghiêm khắc, với giả định rằng những tài liệu bị xóa có khả năng chứa đựng thông tin bất lợi cho Google.

15 Năm Google Xây Dựng Văn Hóa ‘Che Giấu’
Với sự phổ biến của các công cụ nhắn tin nhanh như Slack, Signal, WhatsApp, không chỉ Google, nhiều tập đoàn lớn thường tìm cách xóa giấu vết các cuộc trò chuyện nội bộ. Ảnh: Wired

Phản hồi trước các cáo buộc, Google đã nhấn mạnh rằng công ty “nghiêm túc thực hiện trách nhiệm bảo quản và cung cấp tài liệu liên quan”. “Trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã giải quyết nhiều câu hỏi và vụ kiện, đồng thời đào tạo nhân viên về quyền miễn trừ pháp lý”, phát ngôn viên của công ty cho biết.

Tuy nhiên, theo Agnieszka McPeak, giáo sư tại Đại học Luật Gonzaga, nỗ lực này lại khiến Google trở nên nghi vấn. “Chính sách quản lý từ trên xuống của Google là ‘Không lưu giữ bất cứ điều gì có thể làm chúng ta xấu đi’. Và chính điều đó lại khiến Google bị đánh giá thấp. Nếu họ không có gì để che giấu, thì tại sao họ lại có những hành động như vậy?”, giáo sư đặt vấn đề.

Bài học từ Microsoft

Google được thành lập vào năm 1998, chỉ vài tháng sau khi Bộ Tư pháp khởi kiện Microsoft vì vi phạm luật chống độc quyền. Vụ kiện này đã tiết lộ nhiều email nội bộ của Microsoft với nội dung gây sốc. Chẳng hạn, một lãnh đạo của công ty đã viết: “Chúng ta cần tiếp tục cuộc chiến của mình vào năm tới”.

Nhìn thấy sự sụp đổ của Microsoft trong vụ kiện, Google đã rút ra bài học: tối thiểu hóa các bằng chứng bất lợi. Tuy nhiên, sự tiến bộ công nghệ lại làm cho việc này trở nên phức tạp hơn.

Trong vụ kiện với Epic, Kent Walker, cố vấn pháp lý hàng đầu của Google, cho biết rằng công ty này đã tạo ra số lượng email trên mỗi người dùng gấp 13 lần so với mức trung bình của các công ty khác chỉ trong chưa đầy 10 năm kể từ khi thành lập.

15 Năm Google Xây Dựng Văn Hóa ‘Che Giấu’
Rút kinh nghiệm từ Microsoft, Google nhận ra rằng trong thời đại kỹ thuật số, mọi thứ đều có thể bị lưu giữ và sử dụng làm bằng chứng. Ảnh: NewsByte

Vào thời điểm đó, Google đã phát triển “văn hóa sử dụng email và nhắn tin tức thời”. Các ứng dụng nhắn tin như Talk, sau này là Hangouts và Chat, đã nhanh chóng được nhân viên áp dụng.

Ông cho biết công ty cần thay đổi để không bị “choáng ngợp” bởi lượng thông tin khổng lồ. Năm 2008, Google công bố rằng các tin nhắn trên nền tảng nhắn tin nội bộ sẽ tự động bị xóa. Quyết định này được ký bởi Kent Walker và Bill Coughran, những người đứng đầu nhóm kỹ thuật.

Trong một ghi chú vào năm 2011 mang tiêu đề “Những điều cơ bản về chống độc quyền cho nhóm tìm kiếm”, công ty đã khuyến nghị nhân viên tránh sử dụng các thuật ngữ nhạy cảm như “chiến tranh”, “thắng thua”, “thị trường” hay “thống trị.” Thậm chí, cụm từ đơn giản như “đưa sản phẩm đến tay khách hàng mới” cũng được xem là nhạy cảm vì có thể bị hiểu sai.

Thực tế, các công cụ nhắn tin của Google như Chat không chỉ phục vụ cho việc giao tiếp mà còn là nơi để nhân viên giải tỏa căng thẳng. Trong một tin nhắn được trình bày tại phiên tòa, một nhân viên đã thừa nhận rằng việc phải cẩn trọng trong cách diễn đạt khiến cho các cuộc thảo luận trở nên “kém thú vị và ít hữu ích hơn”.

Nhân viên có nhu cầu lưu giữ tin nhắn thường xuyên nhận được lời nhắc nhở. Một tin nhắn từ năm 2021 cho thấy một nhân viên thắc mắc liệu họ có thể bảo quản lịch sử tin nhắn hay không. Lãnh đạo đã phản hồi rằng: “Không nên làm vậy. Hãy tuân thủ nguyên tắc không lưu giữ lịch sử.” Đến năm 2023, Google đã thực hiện một số điều chỉnh trong chính sách của mình. Lịch sử tin nhắn sẽ được lưu giữ theo mặc định. Nhân viên không có khả năng tắt tính năng này nếu thuộc diện đang bị giám sát pháp lý.

Tuy nhiên, thói quen cũ rất khó để thay đổi. Một số nhân viên đã bắt đầu sử dụng các ứng dụng nhắn tin mã hóa như WhatsApp để trao đổi thông tin nhạy cảm, theo báo New York Times.

Theo ZNews

Bình luận (0 bình luận)

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.