Mô hình OpenAI mới có tên mã là Orion, dự kiến sẽ ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 2 năm của ChatGPT.
Theo dự kiến của OpenAI, mô hình AI mới có tên mã là Orion sẽ được tung ra vào tháng 12. Đây được kỳ vọng sẽ là phiên bản kế tiếp của GPT-4. Tuy nhiên, không giống như các bản cập nhật trước như GPT-4o và o1, Orion sẽ không được ra mắt rộng rãi thông qua ChatGPT ngay từ đầu.
Thay vào đó, OpenAI sẽ ưu tiên cấp quyền truy cập cho các đối tác chiến lược để phát triển sản phẩm và tính năng dựa trên sức mạnh của mô hình này.
Theo nguồn tin của The Verge, Microsoft – đối tác chiến lược của OpenAI – đang chuẩn bị đưa Orion lên nền tảng Azure sớm nhất là vào tháng 11. Mặc dù được coi là phiên bản kế nhiệm của GPT-4, tên gọi chính thức của Orion vẫn chưa được xác nhận.
Theo nguồn tin đồn, Orion có sức mạnh gấp 100 lần so với GPT-4. Mục tiêu cuối cùng của OpenAI không chỉ dừng lại ở việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), mà còn nhằm tạo ra một AI có khả năng trí tuệ tổng quát (AGI), vượt xa trí tuệ nhân tạo thông thường.
Nguồn tin nội bộ cho hay OpenAI đã sử dụng mẫu o1, có tên mã là “Strawberry” để tạo dữ liệu tổng hợp hỗ trợ cho quá trình huấn luyện Orion. Trong tháng 9, đội ngũ OpenAI đã tổ chức tiệc chúc mừng hoàn tất quá trình đào tạo mô hình AI mới.
Vào thời điểm đó, CEO Sam Altman của OpenAI cũng đăng trên mạng xã hội một câu đầy ẩn ý: “Mong đợi các chòm sao mùa đông sẽ sớm xuất hiện”. Orion là tên của một chòm sao mùa đông. Sự trùng hợp đã khiến nhiều người đoán rằng Altman đang ám chỉ đến mẫu AI mới này.
Nếu bạn hỏi ChatGPT o1-preview về ý nghĩa ẩn dụ trong bài đăng của Altman, nó sẽ trả lời rằng CEO đang ám chỉ đến chòm sao Orion, chòm sao mùa đông dễ thấy nhất trên bầu trời đêm từ tháng 11 đến tháng 2.
Tuy nhiên, nó cũng mắc phải “ảo giác” khi cho rằng bạn có thể suy ra từ “Orion” bằng cách sắp xếp lại các chữ cái.
Theo The Verge, sự ra mắt của Orion là một sự kiện quan trọng đối với OpenAI, đặc biệt là trong bối cảnh công ty AI vừa hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 6,6 tỷ đô la.
Mặc dù đây là một thành công, nhưng nó cũng đòi hỏi OpenAI phải tái cấu trúc từ một tổ chức phi lợi nhuận thành một công ty vì lợi nhuận. Điều này dẫn đến áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư, đòi hỏi lợi nhuận cao và buộc OpenAI phải đẩy nhanh các dự án để duy trì đà phát triển.
Đồng thời, OpenAI cũng đang phải đối mặt với nhiều biến động lớn về mặt nhân sự. Điển hình là Giám đốc công nghệ Mira Murati, Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó chủ tịch Barret Zoph đồng loạt rời khỏi công ty.
Theo ZNews