Ngày nay, anh em thường hay bắt gặp các cụm từ như USB-C và USB 3 | USB 3.x khá nhiều, không chỉ ở lĩnh vực hay thiết bị máy tính mà còn ở các sản phẩm di động. Khi nhắc đến 2 cụm từ này, đa phần chúng ta sẽ nghĩ ngay đến 1 loại cổng giao tiếp, đời mới, có tốc độ truyền tải dữ liệu cao, nhưng cụ thể hơn sự khác biệt giữa chúng là gì?
USB (Universal Serial Bus) là tiêu chuẩn công nghiệp dùng để kết nối và truyền dữ liệu số theo kiểu tuần tự, plug-and-play, tốc độ cao, đa năng, đa môi trường, thường gặp trong dân dụng, công nghiệp, môi trường cố định và cả di chuyển. Do được ứng dụng cho nhiều môi trường khác nhau nên USB là chuẩn phổ biến nhất hiện nay với khoảng 2 tỉ cổng sản xuất mỗi năm. Điều thú vị (và cũng buồn cười) là việc tên gọi có chữ Universal (vạn năng, phổ quát) nhưng lại có rất nhiều chuẩn khác nhau xung quanh USB, từ cáp kết nối, sạc và cả tốc độ nữa.
Sự khác biệt chính dễ thấy nhất giữa USB-C và USB 3 là về bản chất. Trong khi USB-C (viết dài và đủ hơn là USB Type-C) dùng để chỉ về kiểu cổng kết nối thì USB 3 lại chỉ về tiêu chuẩn tốc độ truyền tải dữ liệu. Anh em hẳn đã rất quen thuộc với cổng USB-C rồi, hầu hết các cổng sạc/kết nối trên smartphone đời mới (từ phân khúc thấp đến cao) đều đã chuyển sang Type-C, dần tiến tới loại bỏ hẳn micro-USB. Nhờ thiết kế có thể đảo chiều được mà USB-C mang đến sự tiện lợi trong sử dụng, dễ thấy nhất là anh em hoàn toàn có thể cắm sạc chính xác trong khi vẫn đang mắt nhắm mắt mở.
USB Type-C
Được hoàn thiện thông số kỹ thuật bởi USB Implementers Forum vào tháng 8/2014, USB-C là cổng kết nối có 24 chân, thiết kế đối xứng cắm chiều nào cũng được, phân biệt với chuẩn USB-A và USB-B trước đó. Anh em có thể bắt gặp USB-C trên smartphone Android đời mới, 1 số loại tai nghe, kết nối trên controller của PlayStation 5, Xbox Series X | S hay Nintendo Switch. USB-C đã thay thế phần lớn các cổng micro-USB, và điều này rất đáng mừng, nó mang lại sự tiện dụng rất lớn, đồng thời trông cũng hiện đại hơn hẳn.
USB-C cũng đang trong quá trình thay thế các cổng USB-A – đầu cắm hình chữ nhật cỡ lớn mà anh em thấy ở phía sau thùng máy PC, cổng chuột, bàn phím thông thường… Trên các mẫu laptop chú trọng sự gọn nhẹ, cổng USB-A được thay bằng USB-C, ít chiếm diện tích hơn, giải phóng không gian cho các thành phần linh kiện khác.
Ngoài sự tiện lợi trong cách sử dụng, USB-C còn có ưu điểm ở mặt đa công dụng thay vì chỉ có chức năng sạc và truyền dữ liệu như các chuẩn USB cũ. USB-C có thể dùng như 1 ngõ xuất tín hiệu hình ảnh, cho phép kết nối máy tính và màn hình ngoài hỗ trợ. Người dùng cũng có thể sạc laptop bằng cổng Type-C với bất kỳ củ sạc nào có đủ công suất, thay vì lúc nào cũng phải mang vác theo adapter của hãng vốn rất to và nặng. Ngoài ra, nhờ USB Power Delivery, sạc qua USB-C cũng nhanh hơn.
USB 3
USB 3 hay cụ thể hơn là USB 3.x (x=0,1,2) là tiêu chuẩn về tốc độ truyền tải dữ liệu, với sự phức tạp và khó nhớ cũng thuộc hàng “thượng thừa”. Anh em cũng chú ý rằng không phải cổng USB-C nào cũng hỗ trợ USB 3.x và ngược lại, không phải cáp USB 3.x nào cũng sử dụng đầu USB-C.
Thế hệ USB 2.0 trước đó có khả năng truyền tải khoảng 60 MBps, trong khi USB 3.0 nhanh gấp 10 lần, đạt tới 625 MBps (5 Gbps). Cổng USB 3.0 Type-A thường được mã màu xanh dương, với biểu tượng SS (SuperSpeed) bên cạnh. Cổng micro-USB 3.0 sẽ gồm 2 phần gồm phần micro-USB chính và 1 phần phụ bên cạnh, anh em sẽ thấy cổng này đa phần trên các ổ cứng di động.
Kể từ khi chính thức ra mắt, USB 3.x đã trải qua nhiều lần cập nhật thông số kỹ thuật, nâng cấp, đổi tên. Năm 2013, USB 3.1 trở thành chuẩn mới, những loại cáp đáp ứng tiêu chuẩn USB 3.0 được đổi tên thành USB 3.1 Gen 1, trong khi các loại cáp mới dùng chuẩn nhanh hơn được gọi là USB 3.1 Gen 2, với tốc độ đạt 1.25 GBps (10 Gbps). Năm 2017, USB 3.2 xuất hiện, người dùng lại có thêm 2 thế hệ mới là Gen 1 và Gen 2, trong đó USB 3.2 Gen 1 tương tự như USB 3.1 Gen 1. Điều này nghĩa là USB 3.0 lại có thêm 1 lần đổi tên nữa. USB 3.2 Gen 2 nghe thì lạ nhưng thực chất chỉ là tên gọi mới của USB 3.1 Gen 2, giữ nguyên tốc độ 10 Gbps. USB 3.2 Gen 2×2 là chuẩn USB 3 nhanh nhất hiện tại, với tốc độ gấp đôi USB 3.2 Gen 1, đạt mức 2.5 GBps (20 Gbps).
Anh em cảm thấy hơi lú lú chưa, mình tổng kết nhé. USB 3.0, USB 3.1 Gen 1, USB 3.2 Gen 1 là giống nhau, tốc độ 5 Gbps. USB 3.1 Gen 2, USB 3.2 Gen 2 giống nhau, tốc độ 10 Gbps. Cuối cùng là USB 3.2 Gen 2×2 nhanh nhất, 20 Gbps.
Các chuẩn USB đều có khả năng tương thích ngược, nghĩa là anh em có thể cắm cáp USB 3.2 Gen 2×2 vào cổng USB 3.0, mọi thứ đều hoạt động bình thường, nhưng tốc độ truyền tải dữ liệu sẽ bị giới hạn ở bên thấp hơn. Đây cũng là lý do mà anh em cần chú ý tìm hiểu kỹ chuẩn USB 3.x khi mua cáp nếu thiết bị của anh em hỗ trợ chuẩn nhanh hơn mà lại dùng cáp chậm hơn thì sẽ thiệt thòi. Anh em cũng cần biết rằng những con số về tốc độ trên kia chỉ là lý thuyết mà thôi, trong thực tế sẽ có khác biệt và gần như không đạt được mức “trên giấy” này.
Thunderbolt thì sao?
Chuẩn Thunderbolt 3 bắt đầu sử dụng đầu kết nối USB-C, với tốc độ 5 Gbps, nhưng tương tự như USB 3, không phải tất cả cáp và cổng USB-C đều hỗ trợ Thunderbolt 3 | 4. Cáp Thunderbolt thường tích hợp thêm 1 mạch điện tử bên trong để có hiệu năng nhanh hơn nhờ kết nối “active” (chủ động). Nếu anh em sử dụng MacBook có Thunderbolt, anh em khi mua phụ kiện cần tìm những thứ tương thích để tận dụng được tốc độ của chuẩn này. Dây cáp hỗ trợ Thunderbolt sẽ có 1 icon tia sét cho anh em dễ nhận biết, đồng thời giá thành của chúng cũng đắt hơn cáp USB 3 thông thường.
Dù C hay 3 thì chúng cũng chưa hoàn hảo, và người ta đang cố gắng thay đổi
Ngay từ chuyện nhỏ như tên gọi USB 3, anh em đã thấy sự rắc rối xuất hiện rồi, nhưng mọi chuyện không chỉ có vậy. Các mẫu smartphone ngày nay được tích hợp nhiều thứ và biến đổi bên trong cáp kết nối để hỗ trợ chuẩn sạc siêu nhanh của hãng sản xuất. Chúng chưa có chuẩn chung, nghĩa là anh em không thể dùng cáp sạc nhanh của Xiaomi cho smartphone OPPO và ngược lại. Lý giải cho việc này, OPPO cho biết họ muốn đảm bảo tính an toàn ở mức cao nhất, vì vậy sạc nhanh VOOC | SUPERVOOC chỉ được kích hoạt khi hệ thống nhận diện được các thành phần đều đạt chuẩn.
Trên laptop, anh em có thể thấy nhiều cổng USB-C, trong đó có cổng hỗ trợ xuất tín hiệu hình ảnh, cổng khác lại cung cấp tính năng sạc nhanh, cổng khác nữa lại chỉ đơn thuần cho kết nối truyền tải dữ liệu. Vấn đề này ngoài mang đến sự phức tạp không cần thiết thì đôi khi còn “giúp” người dùng tốn kém thêm chi phí cho những bộ chuyển đổi của hãng thứ 3 để đổi lại khả năng hỗ trợ đa dụng hơn.
Hi vọng trong tương lai khi mà USB 4 được hoàn thiện và phổ biến, người dùng sẽ tránh được những rắc rối hiện tại mà USB 3 đang gặp phải.