Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống cần cài đặt sạch Windows trên PC chưa? Nếu bạn là một trong những người dùng may mắn chưa gặp phải tình huống đó, không có gì đảm bảo rằng tương lai bạn sẽ không phải làm như vậy. Đây là lý do tại sao việc biết những gì đi kèm với việc cài đặt sạch Windows 11 trên PC của bạn lại quan trọng đến vậy.
Bài viết này sẽ giải thích tất cả các khía cạnh quan trọng của việc cài đặt sạch Windows, cũng như những gì bạn nên làm và ghi nhớ trước khi bắt đầu với một bản sao Windows mới.
1. Cài đặt sạch có thể khắc phục rất nhiều vấn đề
Cài đặt sạch Windows giống như giải quyết nhiều vấn đề bằng một giải pháp. Nếu PC của bạn đã bị nhiễm phần mềm độc hại, virus hoặc các mối đe dọa khác, thì việc cài đặt sạch Windows rất có thể sẽ là biện pháp cuối cùng để đưa mọi thứ trở lại đúng hướng.
Ngay cả khi bạn không gặp nhiều rắc rối, việc bắt đầu với một bản sao Windows mới sẽ giúp ích khi bạn có nhiều file không cần thiết, tiện ích mở rộng trình duyệt và các chương trình không tương thích mà bạn không có thời gian và kiên nhẫn để xóa từng cái riêng lẻ. Sau khi cài đặt Windows mới, bạn có thể thấy hiệu suất của PC tăng lên.
Đôi khi, đơn giản là không thể giải quyết một số vấn đề, bao gồm driver bị lỗi, xung đột phần cứng hoặc lỗi hệ thống. Và mặc dù bạn phải luôn tìm kiếm các giải pháp dành riêng cho một vấn đề cụ thể, nhưng việc bắt đầu bằng một bản sao Windows mới có thể giải quyết nhiều vấn đề mà bạn không nhìn thấy, do đó ngăn PC của bạn chạy chậm dần theo thời gian.
2. Cài đặt sạch sẽ xóa tất cả dữ liệu trên PC
Cài đặt sạch có nghĩa là PC Windows của bạn sẽ trở lại trạng thái giống như khi bạn bật máy tính lần đầu tiên. Tất cả các ứng dụng, tùy chọn cài đặt, file, thư mục và mọi thứ bạn đã thay đổi trong khi sử dụng PC sẽ bị xóa khỏi hệ thống.
Một lần nữa, bạn sẽ cần tạo một tài khoản trên PC của mình và nếu đó là Windows 11, thì phải có kết nối Internet trong quá trình cài đặt. Bạn có thể tìm hiểu cách bỏ qua yêu cầu kết nối Internet trong quá trình thiết lập Windows.
3. Hãy sao lưu dữ liệu trước khi bắt đầu
Trước khi cài đặt sạch Windows, bạn nên sao lưu tất cả dữ liệu quan trọng của mình để có thể khôi phục chúng sau khi cài đặt hoàn tất. Bằng cách sao lưu tất cả các file và thư mục quan trọng của bạn, bạn đảm bảo quyền truy cập ngay vào những file quan trọng đó sau khi cài đặt sạch.
Nếu đang sử dụng Windows 10, bạn nên xem hướng dẫn sao lưu dữ liệu Windows 10 để tìm hiểu cách ngăn chặn việc mất dữ liệu. Bạn cũng có thể tạo bản sao lưu đầy đủ trên PC chạy Windows 11 để dữ liệu của bạn vẫn khả dụng sau khi cài đặt sạch hệ điều hành.
4. Bạn sẽ cần boot từ USB
Cài đặt trực tiếp Windows thông qua chương trình thiết lập Windows là một cách dễ dàng để nâng cấp hoặc thay thế hệ điều hành hiện tại của bạn bằng hệ điều hành mới. Tuy nhiên, cài đặt trực tiếp không đáng tin cậy và có thể không hoạt động nếu hệ thống của bạn bị nhiễm phần mềm độc hại hoặc bị hỏng.
Để đảm bảo cài đặt suôn sẻ, bạn phải luôn boot từ USB hoặc CD/DVD.
5. Nhớ chọn đúng phiên bản Windows trong quá trình thiết lập
Khi bạn quyết định bắt đầu với một bản Windows mới, việc chọn đúng phiên bản Windows là một trong nhiều điều quan trọng bạn cần nhớ. Nếu đang sử dụng Windows 11 Home và quyết định cài đặt lại, bạn sẽ cần chọn lại Windows 11 Home trong khi thiết lập.
Nếu bạn không chọn đúng phiên bản đang chạy, hệ thống của bạn sẽ không nhận ra nó và sẽ yêu cầu khóa kích hoạt mà bạn không có cho phiên bản Windows cụ thể đó.
6. Đảm bảo rằng bản sao Windows của bạn đã được kích hoạt
Nếu Windows được kích hoạt trên PC và tài khoản Microsoft của bạn được liên kết với key cấp phép, việc kích hoạt lại Windows sau này sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trước khi cài đặt sạch Windows, hãy nhớ kiểm tra trạng thái kích hoạt Windows 11 từ ứng dụng Settings.
7. Biết interface nào hệ thống của bạn hỗ trợ
Windows 11, 10, 8/8.1, 7 và Vista 64 bit đều yêu cầu hệ thống dựa trên UEFI để khởi động từ ổ GUID Partition Table (GPT). Nếu hệ thống của bạn có interface BIOS chạy bất kỳ hệ điều hành nào ở trên, bạn sẽ cần chuyển đổi kiểu phân vùng thành Master Boot Record (MBR).
Nếu hệ thống của bạn phát hiện thấy sự không tương thích, bạn sẽ nhận được thông báo lỗi có nội dung “Windows cannot be installed to this disk. The selected disk is of the GPT partition style”(tạm dịch: Không thể cài đặt Windows vào ổ đĩa này. Ổ đĩa đã chọn thuộc kiểu phân vùng GPT) trong khi cài đặt Windows. Thông báo lỗi này gợi ý rằng bạn cần thay đổi kiểu phân vùng ổ đĩa từ GPT sang MBR. Bạn có thể chuyển sang MBR trong khi cài đặt cũng như trước khi tiến hành cài đặt sạch Windows. Ngoài ra, hãy xem bài so sánh giữa MBR và GPT để biết nên sử dụng cái nào.
8. Cài đặt lại driver và chương trình sau khi cài đặt xong
Sau khi hoàn tất cài đặt Windows, mọi thứ có thể không hoạt động ngay. Ví dụ, bàn phím có thể không hoạt động sau khi cài đặt sạch Windows. Trong những trường hợp như vậy, bạn nên cài đặt lại driver của mình và cài đặt mọi thứ bạn thấy trên trang Windows Update trong ứng dụng Settings.